NHỮNG HÀNH TRANG TRÊN ÐƯỜNG
PHỤNG VỤ THÁNH NHẠC
Hội Thánh luôn xem Thánh nhạc là một kho tàng quí giá, và nhìn nhận thánh nhạc có một chức năng THỪA TÁC TRONG VIỆC THỜ PHƯỢNG CHÚA. (Xem HIẾN CHẾ PHỤNG VỤ ch.6, s.112)
Qua Thông điệp Kỷ Luật Thánh Nhạc, Hội Thánh khẳng định : Tất cả các nhạc sĩ sáng tác và những người hoạt động thánh nhạc (ca trưởng, nhạc trưởng, ca viên, nhạc công) đều là những người thừa hành sứ vụ tông đồ cách chân chính, đích thực, dù dưới nhiều hình thức khác nhau.
Sau đây là một vài chia sẻ, khởi đi từ niềm xác tín về vai trò TÔNG ÐỒ và chức năng THỪA TÁC của một người phục vụ thánh nhạc.
Xin được tạm đặt tên cho bài này là :"NHỮNG HÀNH TRANG TRÊN ÐƯỜNG PHỤC VỤ ".
HÀNH TRANG 1 : KIẾN THỨC KINH THÁNH VÀ GIÁO LÝ CÔNG GIÁO.
Những ai phục vụ thánh nhạc, có thể dùng tác phẩm thánh nhạc để thực hiện vai trò THỪA TÁC VIÊN của mình trong công việc "nâng tâm hồn tín hữu lên cùng Thiên Chúa".
Như vậy, thánh nhạc và hoạt động thánh nhạc phải đạt được những yêu cầu mà Hội Thánh đòi hỏi, nhằm đáp ứng mục đích chuyên biệt là phụng thờ Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Tác phẩm thánh nhạc phải phù hợp với Giáo lý công giáo, tốt nhất là được rút ra từ Thánh Kinh và các nguồn Phụng vụ (x.HCPV,s.112). ÐGH Phao-lô VI trong cuộc nói chuyện vói các nghệ sĩ Ý, tại nguyện đường Sixtine ngày 07-5-1964, đã nói :"Các bạn nhất thiết phải có một sự chuẩn bị, một căn bản giáo lý công giáo, nếu muốn đem lại cho nghệ thuật tôn giáo, cho thánh lễ, cái tính chất chính xác và phong phú. Và đây là một công trình học hỏi nghiêm chỉnh, khó nhọc và tiệm tiến."
HÀNH TRANG 2: KIẾN THỨC THÁNH NHẠC VÀ PHỤNG VỤ
Thánh nhạc là một khoa học thánh và là một nghệ thuật cao quí. Thánh nhạc còn là thành phần của phụng vụ. Giữa Thánh nhạc và Phụng vụ có sự liên hệ mật thiết, đến nỗi không thể làm phụng vụ tốt, nếu không biết phụng vụ hoặc không áp dụng những qui luật của phụng vụ.
Do đó, Hội Thánh buộc mọi thành phần Dân Chúa phải được huấn luyện ít nhiều về Thánh nhạc và Phụng vụ, hợp với hoàn cảnh của mình. (Huấn thị về Thánh nhạc, ch.3,s.6)
Là người sáng tác thánh ca và hoạt động thánh nhạc, chúng ta lại được thúc đẩy nhiều hơn đề học hỏi, trao đổi, nghiên cứu thánh nhạc.
Cụ thể, những lớp huấn luyện thánh nhạc và phụng vụ, những tài liệu về thánh nhạc và phụng vụ, những cuộc hội thảo và những nội san thánh nhạc của Ban Thánh nhạc các cấp, ít nhất cũng đáp ứng phần nào nhu cầu hiểu biết và thực hành thánh nhạc của chúng ta hôm nay.
HÀNH TRANG 3 : KIẾN THỨC VỀ ÂM NHẠC, ÐẶC BIỆT VỀ ÂM NHẠC CÔNG GIÁO.
Là người sáng tác thánh nhạc, ngoài kiến thức phải có về âm nhạc (lý thuyết, kỹ thuật, thể loại, hệ thống,...) chúng ta cần phải có kiến thức về nhạc Ghê-gô-ri-ô (nhạc bình ca).
Những kiến thức về âm nhạc phải được thấm nhuần tâm tình đạo đức và luôn luôn kiện toàn theo thời gian.
Âm nhạc vốn là một thế giới phong phú và phức tạp. Chúng ta phải bước vào một cách thận trọng và khiêm tốn. Trong thế giới âm thanh, không phải loại nhạc nào, phong cách diễn đạt nào, cũng phù hợp với đòi hỏi của nhạc phụng vụ.
Hội Thánh đặc biệt trân trọng thể nhạc bình ca, trong số 4 loại được gọi là Thánh nhạc : Ða âm hợp xướng, Thánh nhạc hiện đại, Ca khúc bình dân tôn giáo, Nhạc có khởi hứng và tâm tình đạo (x. HT về TN và PV, ch.3, s.2). Hội Thánh mong muốn những chuyên viên ngành thánh nhạc, cũng như những người hoạt động thánh nhạc, coi bình ca như một nguồn mạch phong phú, để từ đó làm ra những tác phẩm mới.
HÀNH TRANG 4 : KINH NGHIỆM SỐNG CHÂN LÝ TÔN GIÁO.
Theo Huấn thị "Thánh nhạc trong Phụng vụ" người hoạt động thánh nhạc phải thấm nhuần đức tin và sống đời sống Ki-tô giáo. Bởi đó, họ phải sống theo chân lý đức tin, phải có con mắt nội tâm để nhìn thấy những điều kiện mà vẻ uy nghi của Thiên Chúa và việc tế tự Người đòi hỏi (x. Kỷ luật TN, Ch.2, s.24).
"Chính họ là những người làm cho thế giới thiêng liêng trở nên khả giác, mà vẫn bảo vệ được tính cách khôn tả, siêu việt và nhiệm mầu của thế giới đó". (Trích Diễn văn của ÐGH Phao-lô VI trước Ðại Hội nghệ sĩ Ý, tại Nhà Nguyện Sixtine, ngày 07.5.1964)
Những bài hát và các hoạt động thánh nhạc của họ là những cách diễn tả bằng âm nhạc đức tin cũng như lời cầu nguyện của Hội Thánh và của chính họ.
HÀNH TRANG 5 : KIẾN THỨC VĂN HÓA - ÂM NHẠC DÂN TỘC.
Hội Thánh cổ võ việc duy trì và phát triển các giá trị nghệ thuật trong các nền văn hóa, để du nhập những giá trị đó vào trong Hội Thánh (x.KLTN,ch.3,s.65-67).
Việt Nam có một hệ thống âm nhạc cổ truyền độc đáo và các nhạc cụ đa dạng. Ðó là những chất liệu rất quí có thể góp phần vào công việc phục vụ Thánh nhạc, nhất là nhạc Việt Nam khá gần với bình ca.
Nền Thánh Nhạc Việt Nam tuy còn non trẻ, nhưng kho tàng thánh ca Việt Nam (ca khúc, hợp xướng, ngâm, vịnh...) xem ra dồi dào về số lượng. Theo thống kê của Ban Thánh Nhạc Giáo Phận Tp.HCM, hiện nay số lượng thánh ca VN cả nước có khoảng trên 100.000 bài lớn nhỏ. Tuy nhiên trong số này, những bài đạt tiêu chuẩn thánh ca như Hội Thánh mong đợi (thánh thiện và hình thức tốt đẹp) còn rất khiêm tốn.
HÀNH TRANG 6 : CẢM HỨNG TÔN GIÁO.
Nhạc sĩ sáng tác thánh ca chẳng những phải hội đủ những điều kiện về thể loại và kỹ thuật âm nhạc, mà còn phải giàu cảm hứng tôn giáo. Yêu cầu về một "hình thức tốt đẹp" (nghệ thuật), ngoài những yếu tố về lời ca, tiết tấu, thể loại, còn có những yếu tố cảm hứng tôn giáo nơi tác giả nữa, vì là nhạc đạo.
Nguồn cảm hứng tôn giáo thường đến với nhạc sĩ qua việc nghiền ngẫm Thánh Kinh và Thánh Vịnh, cũng như suy ngắm các nầu nhiệm thánh.
Một bài thánh ca theo đúng nghĩa phải đáp ứng dược những yêu cầu và mục đích Hội Thánh đề ra, nghĩa là thánh thiện về nội dung, đẹp đẽ trong hình thức, và có sức đưa tâm hồn lên cùng Chúa.
KẾT LUẬN :
Người viết còn phải học rất nhiều nơi những bậc đàn anh về Thánh nhạc và Phụng vụ, nhất là những kinh nghiệm trong lãnh vực này.
Những suy nghĩ còn nhiều hạn chế trên đây, thực ra cũng chỉ là phản ánh một số băn khoăn và ước muốn trên đường phục vụ thánh nhạc.
Ðó là nhu cầu được huấn luyện và bồn phận tự huấn luyện liên tục về những gì liên quan đến thánh nhạc và phụng vụ.
Rất mong, trong hoàn cảnh xã hội mở cửa và Hội Thánh hướng đến ngàn năm thứ ba, chẳng những Hội Thánh địa phương quan tâm thật nhiều đến việc huấn luyện môn học này, mà mỗi người đang hoặc sẽ làm công tác thánh nhạc (dưới nhiều hình thức), cần nổ lực trang bị cho mình những vốn liếng cần thiết, để làm cho công việc phục vụ của mình trong ngành Thánh nhạc được mỗi ngày thêm hiệu quả hơn, góp phần tôn vinh Thiên Chúa và mưu ích thiêng liêng cho cộng đồng Dân Chúa.