THẾ NÀO LÀ CÁCH HÁT MỚI?
Có 3 đặc điểm:
Mỗi thánh ca vẫn là ca khúc 2 đoạn nhưng mỗi đoạn có hình dạng và tính chất khác nhau:
Tiểu khúc dài dành cho ca đoàn; điệp khúc ngắn dành cho cộng đoàn
Tiểu khúc thánh vịnh hoặc ý tưởng hoặc những ý tưởng cầu nguyện khác; điệp khúc là lời tung hô, nguyện cầu, cám ơn, tạ lỗi, tuyên tín, hò reo…
Tiểu khúc cầu kỳ và có tính nghệ thuật; điệp khúc đơn sơ dễ hát.
Hát với cộng đoàn.
Mọi thứ đều bình dị.
MỚI Ở CHỖ NÀO?
Mới ở những điểm sau:
Có cộng đoàn tham gia, hay chỗ nào cộng đòan chưa hát được thì ca đoàn đóng giả.
Bài hát có tính bình dân hơn.
Dễ tập dễ hát.
Hát thánh ca sinh động hơn
Cộng đoàn bớt thụ động.
Hợp lòng cộng đoàn, vừa ý chủ tế.
CĂN BẢN CỦA VẤN ĐỀ CÁCH HÁT MỚI
Vấn đề được đặt trên những căn bản sau:
Hát thánh ca từ xưa là việc của cả cộng đoàn.
Hát cả cộng đoàn mới có tính đồng lòng, chung hiệp và phụng vụ thêm tính tích cực.
Nguồn gốc hát thánh ca là bài Xuất hành dân Do thái hát sau khi bước lên khỏi Biển Đỏ. Đó là bài hát xuất phát từ lòng dân và do dân hát chứ không do ai đại diện và hát thay.
Hình thể thánh ca phụng vụ đã được Giáo hội thiết lập từ xa xưa, hiện vẫn còn hiệu lực trong sách GRASUALE SIMPLEX, quyển sách hát phụng vụ chính thức của Giáo hội được phổ biến sau Công đồng Vat. II.
TÍNH CHẤT CỦA VẤN ĐỀ CÁCH HÁT MỚI
Đây chẳng qua là lối hát cũ phổ biến trong Giáo hội từ lâu, nhưng tùy địa phương và tùy thời có áp dụng hay không và áp dụng đến đâu, nay nhiều nơi đang dần dần áp dụng trở lại một cách nhẹ nhàng và linh động hơn cho dễ làm.
Hiện các phong trào cầu nguyện khắp nơi trên thế giới đang lộ có khuynh hướng bộc lộ tính cộng đồng, nên các bài thánh ca cũng đi theo, từ đó nổi lên phong trào hát thánh ca mang đậm tính cộng đoàn nhiều hơn, lan rộng dần trên khắp thế giới.
VỊ TRÍ & VAI TRÒ CỦA CA ĐOÀN CÓ BỊ THU HẸP KHÔNG?
Vai trò và nhiệm vụ của ca đoàn chẳng những không thu hẹp, trái lại còn quan trọng, nặng nề hơn và sáng tạo hơn: dẫn dắt cộng đoàn, điều động cộng đoàn và là sinh động phụng vụ.
Hiểu biết hơn và ý thức vai trò của mình hơn.
Soạn bài kỹ lưỡng và chuẩn bị hát một thánh lễ cực hơn.
CA ĐOÀN CÓ CÒN DỊP HÁT NHỮNG TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT KHÔNG?
Vẫn còn có thể khi trong những buổi lễ lớn đông người, có thể xen vào những tác phẩm đồ sộ và nghệ thuật, để thay đổi bầu không khí.
CÁCH HÁT MỚI CẦN PHẢI CÓ THÁNH CA MỚI ĐI THEO?
Đúng vậy. Vì phần điệp khúc của đa số thánh ca cũ dài, khó hát, không hợp với cộng đoàn. Tuy nhiên bài nào gần giống có thể dùng lại được.
NHỮNG BÀI THÁNH CA CŨ PHẢI BỎ ĐI?
Không bỏ đi, vì đó vẫn là di sản của Giáo hội VN, và Hội đồng Giám mục đang sưu tập dần và phát hành chính thức để khắp nơi trong nước sử dụng. Thực tế, không phải ngay một lúc ta có đủ thánh ca đáp ứng cách hát mới, vậy phải còn dùng những thánh ca hiện nay trong lúc các nhạc sĩ chuyển dần sang giai đoạn mới.
CÁCH HÁT MỚI CÓ GÂY DỊ ỨNG?
Không hề gây dị ứng, vì bình dị, dễ hát và vui vẻ hơn.
CÁCH HÁT MỚI CÓ ĐƯỢC CỘNG ĐOÀN ĐÓN NHẬN HAY KHÔNG?
Tốt nhất đừng gây ra sự chú ý không cần thiết. Chúng ta chép bảng, đến giờ mọi người cùng hát, lúc đó cộng đoàn sẽ hát theo một cách vô thức.
TẠI SAO PHẢI LÀM MỚI CÁCH HÁT THÁNH CA?
Vì cách hát mới hiệu quả hơn: công đoàn tham dự nhiều hơn, phụng vụ linh động hơn.
QUAN ĐIỂM CỦA ỦY BAN THÁNH NHẠC CÁC CẤP VỀ CÁCH HÁT MỚI?
Thông qua Đức giám mục Chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc toàn quốc Stêphanô Tri Bửu Thiên, rất đồng ý mà còn cổ vũ và khuyến khích nữa.
ĐÃ CÓ CHỦ TRƯƠNG CỦA ỦY BAN THÁNH NHẠC TOÀN QUỐC TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN?
Hội đồng Giám mục không thể can thiệp sâu vào những vấn đề chuyên môn, nên không đưa ra chủ trương; nhưng chỉ đưa ra những lời giáo huấn chung như “thánh ca phải đi với phụng vụ”. Riêng đức giám mục đặc trách có thể đưa ra lời khuyên chi tiết hơn như vừa nói trên mà thôi
VẬY CÓ BẮT BUỘC PHẢI HÁT THEO CÁCH MỚI KHÔNG?
Thưa không! Mà chỉ là đề nghị.
Về việc giúp cộng đoàn hát và sách hát, sẽ có những bài nói chuyện tiếp theo sau.
NS. Ngọc Kôn