Với nhạc cổ điển Mỹ, “Ngày âm nhạc qua đời” là ngày 14-10-1990. Đó là ngày cả nước Mỹ cùng cảm nhận được sự mất mát, tất cả chỉ trong một ngày: người nhạc trưởng vĩ đại, người thầy có ảnh hưởng nhất, một trong số những nhà soạn nhạc xuất sắc nhất, pianist hoàn hảo nhất. Viết về cái ngày đáng ghi nhớ này, nhà soạn nhạc Ned Rorem đã viết: “Có bốn cuộc đời trong một con người, vì thế, ông không phải chỉ sống 72 năm mà là 288 năm”. Con người đặc biệt của âm nhạc Mỹ đó là Leonard Bernstein. Cuộc đời của ông là một sân khấu lớn, nơi trình diễn những sự kiện muôn mặt của đời sống văn hóa Mỹ: nhạc cổ điển, Jazz, sự hào nhoáng của Hollywood, chính trị và thậm chí, cả vấn đề về giới tính.
So với các nhạc trưởng hay nhà soạn nhạc khác, tuổi thơ của Leonard Bernstein không có nhiều biểu hiện xuất chúng. Tờ New Yorker vào năm 1958 đã viết: “Tất cả các thiên tài đều gặp phải nhiều trở ngại. Với Beethoven là bệnh điếc. Chopin bị nhiễm lao. Còn với Leonard Bernstein là người cha”. Cha của Leonard Bernstein là Sam Bernstein, một nhà buôn đầy tham vọng người Nga gốc Do Thái, nhập cư vào Mỹ từ nhỏ. Ông ta bắt đầu cuộc sống một cách khó khăn, làm việc 12 giờ mỗi ngày để kiếm vài đô la mỗi tuần nên có cái nhìn hết sức khắt khe về cuộc sống. Luôn gây áp lực cho những người thân trong gia đình nên không có gì đáng ngạc nhiên khi Sam Bernstein phản đối chuyện con trai không chọn con đường trở thành thương gia mà lại hướng đến âm nhạc. Có thể, mọi chuyện sẽ diễn ra theo đúng sắp đặt của người cha và âm nhạc Mỹ sẽ không có một tài năng xuất sắc nếu không có chiếc piano mà người cô Clara gửi ở nhà Bernstein sau khi bà li dị. Đầu tiên, Lenny (tên gọi thân mật của Leonard Bernstein), chơi những đoạn nhạc ngắn mà cậu nghe được theo bản năng. Sau đó, niềm say mê âm nhạc khiến Lenny đánh bạo xin cha tiền theo học nhạc. Ông Sam Bernstein kiên quyết không trả một xu nào để con trai học nhạc. Tuy nhiên, trước những năng khiếu của Lenny, chính người cha cũng phải mềm lòng. Sam Bernstein mua về cho con trai một cây đàn piano thực thụ, thậm chí còn đi kiếm vé và đưa Lenny dự buổi hòa nhạc đầu tiên trong cuộc đời. Không bao giờ Leonard quên được cảm giác tuyệt vời khi nghe Bolero của Ravel do nhạc trưởng Arthur Fiedler chỉ huy. Tuy nhiên, cũng có nguồn tài liệu cho rằng, trước năm 16 tuổi, chưa bao giờ nhà nhạc trưởng tài ba này được dự một buổi hoà nhạc cổ điển. Một nhà phê bình âm nhạc tên là Virgil Thomson còn bình luận về vấn đề này: “Chuyện Bernstein sẽ trở thành nhạc trưởng hoặc một con người xuất chúng đã không được tiên đoán trước. Tất cả chỉ có thể đến sau khi nỗ lực theo học nhạc cổ điển một cách vất vả”.
Năm 14 tuổi, Bernstein theo học một nghệ sỹ piano nổi tiếng thời bấy giờ ở Boston là Heinrich Gebhard và một người cộng sự của ông, Helen Coates. Bà không chỉ truyền đạt cho Bernstein sự tao nhã của nghệ thuật chơi đàn, mở rộng tầm kiến thức mà sau này còn là người bạn thân thiết suốt đời, thậm chí còn giữ vai trò tương tự như một thư ký cá nhân của ông.
Sau khi học ở Boston, Bernstein tới Harvard. Xuất sắc trong nghệ thuật chơi đàn, ông nhanh chóng trở nên nổi tiếng như một tài năng có khả năng thị tấu tốt. Vượt qua các khoá học lý thuyết âm nhạc, ông thay vì học ngoại ngữ và triết học để chìm đắm vào những trải nghiệm âm nhạc ngoại khoá: chơi các bản nhạc trong phim câm, viết những bài bình luận âm nhạc nghiêm khắc, dàn dựng vở operettas “Gilbert và Sullivan”. Sau thời kỳ ở Harvard, Bernstein theo học ở Viện âm nhạc Curtis tại Philadelphia.
Trong cuộc đời âm nhạc của mình, Bernstein chịu ơn những tên tuổi lớn: nhạc trưởng Dmitri Mitropoulos, nhà soạn nhạc George Gershwin, Aaron Copland và nhạc trưởng Serge Koussevitzky. Nếu Dmitri Mitropoulos và Serge Koussevitzky khuyến khích và phát hiện khả năng thiên bẩm của Bernstein trong nghệ thuật chỉ huy thì George Gershwin và Aaron Copland đem lại cảm hứng cho ông trong khuynh hướng sáng tác. Khi gặp Bernstein, Serge Koussevitzky đã không ngần ngại tuyên bố rằng đây là một tài năng và trong tương lai sẽ là một giám đốc dàn nhạc của Boston Symphony: “Cậu ta sẽ là một Koussevitzky mới được tái sinh”. Tuy nhiên, vị nhạc trưởng già không ngờ rằng, chàng thanh niên đó đã đáp lại: “Tôi sẽ chỉ là Bernstein hoặc không là gì cả”. Ảnh hưởng từ hai nhà soạn nhạc Mỹ George Gershwin, Aaron Copland, Bernstein quan tâm nhiều hơn đến việc hoà trộn chất nghiêm nghị của dòng nhạc cổ điển châu Âu và chất bình dân của âm nhạc Mỹ. Những chất liệu của âm nhạc Mỹ như jazz, blue, dân ca, boogie-woogie… đã xuất hiện trong hình thức thể hiện của âm nhạc cổ điển châu Âu.
Tuy đã nổi danh là một nghệ sỹ piano giỏi sau khi kinh qua nhiều trường lớp, nhưng thực chất, Bernstein vẫn là một tên tuổi vô danh trong lĩnh vực chỉ huy. Chỉ đến khi Serge Koussevitzky tiến cử Bernstein với nhạc trưởng của dàn nhạc New York Philharmonic, Artur Rodzinsky thì danh tiếng mới đến với ông. Bernstein được nhận vào dàn nhạc với chức danh trợ lý nhạc trưởng của Artur Rodzinsky. Dường như định mệnh đã sắp đặt trước tất cả. Vào ngày 14-11-1943, nhạc trưởng Bruno Walter sẽ tham gia một buổi hoà nhạc sau 2 tuần làm việc cật lực cùng dàn nhạc New York Philharmonic. Vận rủi bất ngờ ập đến, Bruno Walter ốm nặng. Tình thế thật nguy cấp bởi vé đã bán hết và không thể hủy bỏ buổi hoà nhạc. Thậm chí, chương trình còn được đài phát thanh CBS phát trên sóng trực tiếp. Sau này, Artur Rodzinsky thường kể lại rằng, ông ta đã cầu viện đến Chúa để giới thiệu một ứng cử viên và ngay lập tức nhận được câu trả lời “Hãy mời Bernstein!”. Bernstein nhận lời thay thế mà không có buổi diễn tập nào. Vào buổi tối chủ nhật hôm ấy, ông bước ra sân khấu và thông báo ngắn gọn về việc nhạc trưởng danh tiếng Bruno Walter bị ốm. Khán giả buồn xỉu sau bản thông báo về sự thay thế bất ngờ này bởi thất vọng vì không được thưởng thức một buổi hoà nhạc của vị nhạc trưởng tài ba Bruno Walter. Họ cũng có lý bởi chương trình quả là một thách thức lớn: overture “Manfred” (Schumann), “Theme, Variations, Finale” (Rosza), thơ giao hưởng “Don Quixote: (Strauss) và overture “Meistersinger” (Wagner). Theo lời nghệ sỹ violon của dàn nhạc, Jacques Margolis, tất cả được dự định là Bernstein sẽ nương theo dàn nhạc với cái cách mà các nhạc công sẵn sàng chơi trong chương trình dưới sự điều khiển của Walter. Nhưng sau đó, điều bất ngờ đã xảy ra. Jacques Margolis kể lại: “Không ai có thể tin rằng nhạc trưởng trẻ có thể sáng tạo ra thứ âm nhạc tuyệt vời như vậy. Trong dàn nhạc toàn những người 50, 60 tuổi với nhiều năm kinh nghiệm và một cậu thanh niên vắt mũi chưa sạch lại điều khiển họ để cùng xây dựng nên một buổi trình diễn tuyệt vời. Chúng tôi tưởng là đã làm được điều đó với Bruno Walter, chúng tôi đã luyện tập cùng ông và chờ đợi được biểu diễn với ông. Nhưng tất cả điều đó lại không đến với Bruno Walter. Dàn nhạc đứng lặng trước tiếng hoan hô của khán giả. Chúng tôi đã há hốc miệng trước sự bất ngờ này. Đó là người nhạc trưởng phi thường nhất mà tôi chưa bao giờ được gặp trong cuộc đời nhạc công”. Buổi biểu diễn ngay lập tức đã được đưa lên bình luận ở trang nhất của New York Times ngay số hôm sau, giữa những phần tin quan trọng về chiến sự. “Người trợ tá trẻ đã dẫn dắt Philharmonic trong khi Bruno Walter bị ốm” là tiêu đề của bài viết.
Thành công của buổi hoà nhạc đã vượt quá mọi sự mong đợi của nhà tổ chức, đồng thời trở thành tấm danh thiếp giới thiệu Bernstein với thế giới. Từ thời điểm đó đến hết mùa diễn, Bernstein được mời chỉ huy Philharmonic 11 lần nữa, đồng thời đón nhận nhiều lời mời hấp dẫn khác. Ông trở thành con cưng của xã hội, các dàn nhạc tìm kiếm ông… Về phương diện cá nhân, người cha Sam Bernstein cuối cùng đã hoà giải với con trai mình.
Một câu chuyện thần kỳ của nước Mỹ đã được viết ra. Ở tuổi 25, sau một đêm, nhạc trưởng vô danh đã trở thành một nhân vật quan trọng của thế giới nhạc cổ điển. Hàng loạt các hãng đĩa danh tiếng mời Bernstein thu âm các chương trình của họ. Năm 1947, ông là nhạc trưởng khách mời của Boston Symphony, điều xảy ra lần đầu tiên dưới triều đại 22 năm của Serge Koussevitzky. Bernstein còn được mời làm cố vấn âm nhạc cho Israel Philharmonic Symphonic Orchestra, thành viên của Berkshire Music Center, giáo sư trường Đại học Brandeis. Vào năm 1953, Bernstein trở thành nhạc trưởng sinh ra tại Mỹ đầu tiên được ký hợp đồng tại nhà hát La Scala, chỉ huy “Medea” của Cherubini với soprano huyền thoại Maria Callas. Ông mang âm nhạc Mỹ đến châu Âu và ngược lại, đem âm nhạc châu Âu về nhà, thậm chí, là đưa âm nhạc châu Âu đến với người châu Âu. Ông đã từng tuyên bố đầy thách thức: “Tôi sẽ đến Budapest để dạy người Hungari chơi Bartok.” Và ông đã làm được điều đó.
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, Bernstein luôn hướng đến khán giả. Ông đã dành hẳn buổi tối thứ 4 hằng tuần làm chương trình giao lưu để ông có thể trò chuyện với khán giả về âm nhạc. Ông xây dựng mùa diễn của mình theo những chủ đề ưa thích như “Schumann và những phần lãng mạn”, “Âm điệu đến thế kỷ 20”. Những âm thanh kỳ lạ trong tác phẩm của những nhà soạn nhạc tiên phong như Elliott Carter, Milton Babbitt, Karlheinz Stockhausen, Gunther Schuller và John Cage cũng được đưa từ từ vào chương trình của Philharmonic. Bernstein đã đưa dàn nhạc của mình lưu diễn khắp châu Mỹ latinh, châu Âu, Nhật Bản, Alaska và Canada. Nguồn năng lượng trong Bernstein dường như không bao giờ vơi cạn. Có lần, ông đã trình diễn một mạch liên tục 25 buổi hoà nhạc trong vòng 28 ngày. Tuy nhiên, đôi khi cỗ máy vận hành đã xảy ra trục trặc, đã hai lần người ta chứng kiến sự mệt mỏi của Bernstein: lần thứ nhất vào năm 1982, ông đã ngã ở Houston trong khi chỉ huy tác phẩm của Tchaikovsky, hai năm sau cũng xảy ra tình trạng tương tự khi cùng Vienna Philharmonic biểu diễn ở Chicago.
Không chỉ mải mê chỉ huy, Bernstein còn được biết đến như một nhà soạn nhạc. Hướng về nguồn gốc Do Thái, Bernstein đã viết symphony số 1 “Jeremiah” cho soprano và dàn nhạc, phần lời sử dụng ngôn ngữ Hebrew. Sau đó là hàng loạt tác phẩm khác như symphony 2 “Thời đại của phiền muộn”, opera một màn “Sự quấy rầy ở Tahiti”, Serenade cho violin, dàn nhạc dây và bộ gõ, symphony Số 3 “Candide”, dựa theo tác phẩm văn học của Voltaire, tổ khúc giao hưởng “Câu chuyện miền Tây”… Ông còn hào hứng tham gia sân khấu Broadway và Hollywood với tư cách là một tác giả viết nhạc phim và nhạc sân khấu. Ngoài ra, Bernstein viết sách. Ông thường nói: “Tôi luôn luôn yêu các con chữ như yêu từng nốt nhạc”.
Tham gia hoạt động xã hội, Bernstein được biết đến như một công dân yêu dân chủ và tự do, thích quan tâm đến chính trị. Ông là người bạn của gia đình Kennedy, thậm chí tác phẩm “Mass” của ông cũng dành tặng John F. Kennedy. Năm 1953, trong chuyến lưu diễn châu Âu cùng New York Philharmonic, Bernstein đã tới Liên bang Xô viết. Đỉnh cao của chuyến lưu diễn là symphony số 5 của Shostakovich. Vào tháng 10 năm đó, khi trở lại New York, họ đã thu tác phẩm này cho hãng Columbia. Bernstein ghi thêm tác phẩm nữa của Shostakovich là symphony “Leningrad” với New York Philharmonic vào năm 1960 và một bản khác vào năm 1988 cùng Chicago Symphony Orchestra. Vào lễ Giáng sinh năm 1989, nhân sự kiện bức tường Berlin sụp đổ ở Đức, Bernstein đã chỉ huy dàn nhạc, bè hợp xướng, và các nghệ sỹ solo từ Berlin, Dresden, New York, London, Paris và cả Leningrad trình diễn bản giao hưởng số 9 của Beethoven.
Bernstein thực sự là con cưng của xã hội Mỹ. Cuộc sống của ông luôn đông đúc: ông viết nhạc vì mọi người, đưa các buổi trình diễn của mình đến với mọi người, ông muốn dạy dỗ họ, chạm vào họ và đưa cả họ vào tác phẩm của mình. Ông muốn họ trở thành một phần của gia đình mình. Cuộc đời ông cũng trùng khít với sự bùng nổ tình dục đồng giới xảy ra vào những năm 1960 đến giữa những năm 1970 tại đây. Dù lập gia đình với một nghệ sỹ người Chile, Felicia Montealegre Cohn và có 3 đứa con với bà nhưng đột nhiên sau 25 năm chung sống, Bernstein đã công khai mối quan hệ với người tình đồng giới Tom Cothran. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông, nó chỉ cho thấy rằng, ông quả là một đứa con hoàn hảo của nước Mỹ thời đại ấy.