Ca Trưởng Phải Đối Đầu Với Nhiều Thứ.
Lãnh cái nhiệm vụ Ca-Trưởng thật sự không phải dễ dàng. Hằng tuần phải bỏ giờ ra soạn bài hát, tìm bài hát, chép lại bài hát, copy bài hát, tập hát..., lại thêm phải hát đám cưới đám ma mỗi tuần nữa, thì thật là không có giờ cho gia đình nhiều (shhh... nói vậy mất hết công đức hỉ?) Ngoài cái việc hy sinh thời giờ ra, bạn còn phải đương đầu với nhiều cái khó khăn khác nữa. Có khi thì nó nhỏ bé, nhưng cũng có khi ảnh hưởng tới bạn không ít, đến nỗi phúc thì không thấy, mà ngược lại là khác!
Dưới đây là một vài thí dụ điển hình về những khó khăn của người Ca Trưởng, xin được chia sẻ:
Đối với cha xứ: Ca trưởng phải luôn có một mối tương quan mật thiết, biết mình là người "giúp việc" thôi. Nên xin phép, bàn hỏi với các ngài luôn. Kinh nghiệm cho thấy, các Ca trưởng càng tương quan tốt với các cha, thì Ca Đoàn càng phát triển. Một khi ông cha xứ đã không thích mình rồi thì mọi công việc của mình sẽ rất khó khăn và dễ bị làm... khó dễ!
Đối với cộng đoàn, giáo xứ: Ca đoàn là một đoàn thể trong cộng đoàn, đừng vì một lý do gì mà muốn cộng đoàn phải đối xử với Ca đoàn hơn các đoàn thể khác; ngược lại, Ca trưởng nên khuyến khích mọi thành viên tham gia những công tác và tích cực trong những việc chung của cộng đoàn bao nhiêu có thể.
Đối với những đám cưới, đám ma: Đây là một hy sinh lớn lao cho Ca trưởng, nhưng có ít người thông cảm. Thù lao có nhận được thì đó là của chung Ca Đoàn, đi hát thì Ca Trưởng phải năn nỉ kêu mời; lắm khi bỏ cả công ăn việc làm để đi hát. Lúc hát có bị sơ sót hay ít ngươì hát còn bị "chủ nhân" phàn nàn! Nhưng nghĩ lại mà coi, các nghi thức phụng vụ này cần có ca đoàn hát, mà trong cộng đoàn thì không có nhiều ca đoàn, hát lễ cho người ta là một hành vi bác ái cao cả lắm, thù lao chỉ là chuyện nhỏ thôi!
Đối với Ca Đoàn: nên tổ chức Ca Đoàn có những người giúp việc cho mình, như: chép bài hát, copy tài liệu, tập hát, đánh nhịp, sinh hoạt, vv. Ca Đoàn nên có những sinh hoạt giải trí hằng năm trong những dịp lễ lơn như lễ Noel, lễ Quan thầy, để gây tình thân, khích lệ tinh thần Ca đoàn. Những sinh hoạt như vậy có thể không phải là khả năng chuyên môn của Ca Trưởng, nên có những người khác để "giúp" mình lo chuyện đó.
Đối với Ca Viên: Ca Trưởng nên tránh bè phái. Trong ca đoàn thì có nhiều nhóm, 2 người thân với nhau cũng trở thành một nhóm, đó là chuyện thường tình. Nhưng có khi nhóm nọ không thích nhóm kia, người này không thích người kia, làm cho Ca Trưởng cũng nhức đầu lắm chứ không phải chơi đâu. Bạn luôn luôn đóng vai trò trung gian giải hòa.
Đối với những người đệm đàn: nhiều khi Ca Trưởng không "hợp rơ" với họ cũng là chuyện không may cho Ca Đoàn. Nên bàn thảo, lắng nghe họ. Khi gặp những "tục tặc" với họ, thì nên giải quyết trong vui vẻ và kín đáo.
Đối với việc chọn bài hát: thà hát "không hay" còn hơn là hát sai (hát sai cũng có nghĩa là hát không đúng Phụng Vụ hoặc hát "bể"). Những bài hát tập chưa chắc thì đừng liều lĩnh hát, chọn một bài quen thế vào. Một khi hát "bể" sẽ tai hại hơn sự tưởng tượng của mình, vừ a gây chia trí cho cộng đoàn, vừa làm mắc cở ca viên. Ca đoàn mà cứ hát "bể" hoài sẽ dần dần mất hết ca viên.
Đối với nhạc đệm: từ xưa đến nay, cây "organ" là nhạc cụ chính dùng trong nhà thờ, vì tiếng đàn organ mang cho người ta cái cảm giác cầu nguyện, êm đềm, thánh thót..., khi dùng piano, guitar hay những nhạc cụ khác thì phải cẩn thận và biết lựa bài lựa cách mà đệm. Không nên dùng trống nhạc trong nhà thờ, vì Thánh Nhạc bắt đầu từ nhạc bình ca, lời ca quan trọng hơn là nhạc điệu. Trống phách thì dùng cho nhạc đời thôi. Lắm khi mình nghĩ nó là "hay", nhưng cái hay mình nghĩ là cái hay về "thưởng thức" không đúng với mục đích của Phụng Vụ để nâng tâm hồn người nghe và giúp người nghe cầu nguyện. Không có trống thì cũng không sao, mà có trống vào thì dễ bị "có chuyện", người ưa kẻ không; các đấng bậc phàn nàn cũng khá nhiều rồi đấy!
Đối với các Ca Trưởng và Ca Đoàn khác: Thật là buồn cười khi mình hoạt động Tông Đồ mà có tư tưởng "ghanh đua" hay "mặc cảm". Nhiều khi hai ca đoàn trong cùng một xứ đạo không "chơi" với nhau, huống hồ chi là giữa nơi này với nơi khác. Người Ca Trưởng phải biết cầu tiến, khiêm nhường, biết lắng nghe để học hỏi. Mục đích của mình là sáng Danh Chúa trước hết; biết giúp đỡ nhau, chia sẻ cho nhau những bài hát, kinh nghiệm, vì chúng ta là những người cùng một lý tưởng. Cứ nghĩ một điều: chúng ta đều hoạt động vì Chúa và cho Chúa. (Shhh... nói là nói vậy, nhưng cũng kho khó...! )
...Còn nhiều khó khăn khác nữa, kể cả việc đương đầu với những cằn nhằn của cha mẹ, vợ chồng, con cái: "ăn cơm nhà, vác việc người"!!! Những thứ đó thì bạn phải tự liệu lấy một mình thôi! Điều mà người Ca Trưởng không thể không biết, đó là sự "chuẩn bị". Người Ca Trưởng phải chuẩn bị trong mọi hoàn cảnh, như: chuẩn bị có bài hát thay thế lỡ bài hát đang tập không đủ người hát; lỡ cha xứ muốn hát thêm chỗ này chỗ nọ; lỡ người đệm đàn, người soloist, vắng mặt thì có người khác thay thế; lỡ mình không điều khiển được thì có ca trưởng phụ tá; lỡ phải hát lễ đám ma bất ưng, vv...
Mặc dù có nhiều khó khăn và công việc phải lo, nhưng chúng ta nên biết một điều: Chúa luôn ở bên cạnh để nâng đỡ ta. Khi phải hy sinh vất vả, bạn hãy hát Kinh Hoà Bình của Thánh Phanxicô để tiếp tục dấn thân; khi gặp thử thách hiểu lầm, bạn hãy hát Thánh Vịnh "Chúa Chăn Nuôi Tôi" để trông cậy và tìm sự an ủi...