CA SĨ DA ĐEN CÓ TẤM LÒNG VÀNG
Một ngày trong năm 1992, nơi phòng học duy nhất của trại tị nạn Cao-Miên ở Thái Lan, một phụ nữ da đen trẻ tuổi người Mỹ, đang lắng tai nghe các trẻ em bày tỏ nguyện vọng sớm trở lại quê hương yêu dấu...
Phụ nữ đó là danh ca Barbara Hendricks.
Barbara là ái nữ mục sư tin lành Méthodist và sinh trưởng tại Stephens, bang Arkansas, Hoa Kỳ, trong căn nhà ”không rộng hơn cái bàn nhà khách”!
Cùng với hai chị gái và hai em trai, Barbara có tên trong ca đoàn của giáo xứ và của trường học.
Buổi tối mùa hè năm 1968 - đang là sinh viên trường đại học Nebraska ở Lincoln - Barbara hát giúp vui cho tổ chức dân sự của thành phố. Tình cờ trong đám khán thính giả hôm đó có giáo sư nổi tiếng trường Âm Nhạc Aspen bang Colorado. Ông nhận ra giọng hát kim vàng của cô sinh viên da đen. Cuối buổi trình diễn nhạc kịch, ông đến gặp Barbara và mời cô ghi danh khóa nhạc mùa hè nơi trường ông dạy.
Đó là cuộc gặp gỡ đổi đời. Nhờ sự khuyến khích của nhiều danh ca và nhạc sư nổi tiếng, Barbara Hendricks quyết định chọn nghề ca sĩ, thay vì tiếp tục ngành khoa học, như cô dự định trước đó.
Sau 4 năm theo học ngành âm nhạc - năm 1972 - Barbara trúng giải cuộc thi tranh tài quốc tế các ca sĩ, tổ chức tại Paris, thủ đô nước Pháp. Năm 1976, Barbara chính thức hành nghề ca sĩ tại nhà hát lớn của thành phố San Francisco, bang California.
Cũng trong thời gian này, Barbara gặp và thành hôn với Martin Engstroem, nhân viên hãng âm nhạc Thụy Điển, có trụ sở tại Paris.
Tên tuổi của nữ ca sĩ da đen Hoa Kỳ Barbara Hendricks bắt đầu nổi danh tại khắp Âu Châu, Á Châu và Mỹ Châu.
Nhưng Barbara không dừng lại nơi tiền tài và danh vọng. Bà dùng tài năng phục vụ lý tưởng nhân đạo. Mỗi năm bà dâng cúng số tiền khá lớn trong lợi tức của mình cho các hoạt động của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc. Bà cũng tổ chức những buổi trình diễn âm nhạc, lấy tiền giúp các tổ chức từ thiện. Ngoài ra, vào năm 1987, Barbara Hendricks trở thành Nữ Đại Sứ Thiện Nguyện của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc.
Nhiệm vụ này đòi hỏi bà Barbara công du rất nhiều, đi thăm các trại tị nạn rải rác khắp thế giới từ Phi Châu đến Á Châu. Bà Barbara tâm sự:
- Chồng tôi và tôi, chúng tôi chỉ bất đồng trên quan điểm duy nhất: chồng tôi nghĩ tôi hát rất nhiều nhưng thu lợi không bao nhiêu!
Khán thính giả toàn thế giới vẫn còn nhớ như in buổi hòa nhạc vì Hòa Bình, diễn ra đêm 31-12-1991 rạng ngày đầu năm dương lịch 1-1- 1992 tại Dubrovnik, thành phố cựu liên bang Yougoslavie.
Khi đồng hồ điểm 12 tiếng, và khi 500 khán thính giả thắp sáng các ngọn nến cầu cho Hòa Bình, nữ danh ca Barbara Hendricks xuất hiện. Bà cất tiếng hát bài thánh ca ”Exsultate, Jubilate - Hãy Vui Lên, Hãy Mừng Lên” của Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791).
Trong đêm đáng ghi nhớ đó, ít người lường trước các kinh hoàng khốn khổ sẽ đổ ập xuống sau này trên vùng đất cựu Yougoslavie, nhưng tất cả đều cảm thấy lòng mình rung động khi nghe bài thánh ca ”Exsultate, Jubilate”. Bài Thánh Ca như lời Chúc Lành, Ngọn Lửa mang Hy Vọng, xóa tan và chiến thắng bạo động cùng oán thù!!!
Trước đó, vào tháng 11 năm 1991, bà Barbara xuất hiện trên đài CBS của Hoa Kỳ để nói về tình cảnh thảm thương của người tị nạn:
- Tôi nghĩ rằng chúng ta phải thật sự đi đến chỗ: kêu lên một tiếng ”Áiii!” khi có một em bé nào đó phải chịu đau đớn, ở một nơi nào đó trên thế giới!
Sau buổi nói chuyện ấy, đài truyền hình CBS nhận rất nhiều thư từ và quà tặng dân chúng Hoa Kỳ gửi đến, để trợ giúp người tị nạn trên thế giới.
Ông Martin Engstroem - chồng bà Barbara Hendricks - nói về vợ:
- Hiền thê tôi luôn luôn là người cách mạng, một kẻ chiến đấu. Vì biết mình có ảnh hưởng rộng lớn trên đám đông quần chúng, nàng lợi dụng ảnh hưởng thuận lợi để chu toàn hai sứ vụ: sứ vụ ca sĩ và sứ vụ quyên tiền làm việc thiện!
... ”Những người kính sợ THIÊN CHÚA sẽ được sống lâu dài, vì họ cậy trông vào Đấng cứu thoát họ. Ai kính sợ THIÊN CHÚA thì không sợ hãi gì, họ không run rẩy, vì chính nơi Người, họ hằng cậy trông. Phúc thay tâm hồn kẻ kính sợ THIÊN CHÚA! Họ nương tựa vào ai? Và ai nâng đỡ họ? THIÊN CHÚA để mắt trông nom những ai yêu mến Người. Người là khiên mộc vững chắc, là sức mạnh đỡ nâng, là tàn che gió nóng, là bóng mát giữa trưa. Người giữ gìn cho khỏi vấp ngã, và bảo vệ cho khỏi té nhào. Người nâng cao tâm hồn, sáng soi con mắt. Người ban sức khoẻ, sự sống và phúc lành” (Huấn Ca 34,13-17).
(”SELECTION du Reader's Digest”, Janvier/1993, trang 107-116).
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt