Thắc Mắc về Bộ Lễ
Đây là những câu hỏi liên quan đến Bộ Lễ đã được cha Đỗ Xuân Quế, Trưởng Ban Thánh Nhạc thành phố Sàigòn, trả lời trong báo Hát Lên Mừng Chúa.
Thưa bộ lễ có lời : "Lạy Chúa, xin dủ tình thương xót chúng con" có sai phụng vụ không? Nếu sai, chúng ta thôi sử dụng, nhưng có nên báo cho tác giả biết không? (Natalie Nguyễn California, U.S.A)
Trả lời: Trước hết, cần phân biệt, bởi vì có hai tác giả dùng lời trong bộ lễ này để dệt nhạc. Tác giả thứ nhất là linh mục Nguyễn văn Trinh, tác giả thứ hai là nhạc sĩ Cát Minh. Linh mục Nguyễn văn Trinh có thay đổi lời trong bản dịch Kinh Vinh danh, còn lời trong các Kinh Thương xót, Thánh, Thánh, Thánh và Lạy Chiên Thiên Chúa vẫn giữ nguyên, chỉ thêm chữ rủ tình trong kinh Thương xót và chữ ngàn trùng trong kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, so với bản dịch chính thức trong sách lễ Rô-ma. Còn nhạc sĩ Cát Minh chỉ gọi là thêm chữ rủ lòng trong kinh Thương xót và ngàn trùng trong kinh Thánh,Thánh. Gọi là thêm mà thực ra không phải là thêm, vì ý tưởng trong kinh Thương xót cũng như ý tưởng trong kinh Thánh, Thánh mặc nhiên bao hàm những chữ đó. Theo Tự điển tiếng Việt thì rủ (chứ không phải dủ) lòng đg : nghĩ đến mà ban cho một điều nào đó, coi như ân huệ. Rủ lòng thương. Còn rủ tình không thấy có trong tự điển
Chữ thương xót là dịch từ tiếng la-tinh miserere và tiếng hy-lap eleison. Chữ eleison lại có liên hệ với chữ khanan và hesed trong tiếng híp-ri. Mà hai tiếng híp-ri này có bao hàm chữ lòng hay dạ. Còn chữ ngàn trùng trong kinh Thánh, Thánh cũng gọi là thêm mà thực ra không phải là thêm, vì ý tưởng trong ba chữ Thánh dồn dập lặp lại ngay từ đầu, là ngầm nói đến tính mênh mông, bao la, bát ngát, vô tận, tuy người ta không nói thánh ngàn trùng, nhưng phải cho chữ ngàn trùng đi với chũ chí thánh thì mới ra, nghĩa là thánh, nhưng không phải thánh thường đâu, mà là chí thánh đến độ trổi vượt cách xa ngàn trùng không ai theo kịp được.
Vậy bộ lễ do linh mục Nguyễn văn Trinh dệt nhạc kể là đi xa với qui định của Thánh bộ Phụng Tự, như Huấn thi thứ Ba viết :
. "Những bản văn Kinh thánh hay Phụng vụ đã có truyền thống lâu đời (kinh Vinh danh, Lạy Chiên Thiên Chúa v.v…)
. Những bản văn trình bày đức tin của Hội thánh (như kinh Tin Kính, kinh Lạy Cha).
Tất cả các bản văn đó phải được dịch cách trung thực và sẽ dệt nhạc trên các bản văn đó không được thay đổi gì." (Bản văn các bài ca trong thánh lễ", bài thuyết trình của linh mục Kim Long ngày 1.2.1996 trong HLMC số 26 trg. 3)
Tuy nhiên, theo văn bản "Hướng dẫn về Thánh lễ cho trẻ em" (số 31) : Đấng Bản quyền có thể chấp thuận cho dùng những bản nhạc hợp với cách diễn tấu cổ truyền để các em dễ tham dự vào việc hát các kinh Thương xót, kinh Vinh danh… dù không theo đúng hoàn toàn bản văn chính thức." (Bài đã dẫn trg. 3&4) Những bài như thế này, nếu muốn được sử dụng phải xin phép riêng và thường chỉ được sử dụng trong các lễ cho các nhóm đặc biệt.
Riêng bộ lễ do nhạc sĩ Cát Minh phổ nhạc đã được Đức cố Tổng Giám mục Phao-lô Nguyễn văn Bình cho thử nghiệm vào thập niên 80, hiện nay vẫn còn hiệu lực vì chưa bị rút lại, nên có thể dùng mà không sợ sai. Đàng khác, tôi nghĩ rằng đây lại là một nỗ lực hội nhập văn hóa, như Huấn thị thứ bốn của Tòa thánh khuyến khích, vì rủ lòng thương là một kiểu nói Việt Nam ; nó diễn tả một cái gì đó thật là van lơn tha thiết và rất trung thực. Chữ cửu trùng trong bài Thánh, Thánh cũng vậy. Thay vì nói trên các tầng trời thì dịch là cửu trùng, không sai nghĩa mà lại diễn tả được sâu sắc ý nghĩa của chữ trên các tầng trới. Tự điển tiếng Việt định nghĩa cửu trùng d (cũ ; vc). Trời cao chín tầng, dùng để chỉ nơi vua ở hoặc để gọi nhà vua , với ý tôn kính. Mà Chúa là Vua trên hết các vua. Huấn thị thứ ba đòi hỏi phải trung thực và Huấn thị thứ bốn khuyến khích phải cố hội nhập văn hóa trong cách sống đạo và truyền đạo, đặc biệt trong cách dịch các bản văn phụng vụ.
Một câu nữa cũng ở trong câu hỏi này tuy không được chép ra là câu tuyên xưng sau Truyền Phép : "Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết và đợi chờ ngày Chúa quang lâm." Câu này là mẫu tung hô thứ hai có trong sách lễ Rô-ma, nên không có gì sai cả.
Có phải trên thế gian này chỉ có 2 bộ lễ được chính thức sử dụng là Séra- phim của Đ.C. Hòa và Ca Lên Đi của C. Kim Long, còn ngoài ra các Bộ lễ khác đều chỉ được phép thử nghiệm thôi không ạ? (Mỹ V).
Trả lời: Trên thế gian này có rất nhiều bộ lễ được sử dụng, nếu hiểu thế gian là thế giới. Còn nếu hiểu thế gian là trên toàn cõi Việt Nam thì quả thực bộ lễ của Đ.C. Hòa và các bộ lễ của cha Kim Long vừa là chính thức vừa được sử dụng nhiều hơn cả. Các bộ lễ khác hoặc là được thử nghiệm hoặc là do người ta tự biên tự diễn rồi đem ra sử dụng như ý. Điều này nói chung là khá phổ cập trong mấy chục nay gần đây, và bây giờ vẫn còn kéo dài trong các họ đạo, nhất là nơi các bạn trẻ là những người thích mới, nhưng ít biết hay dường như không biết gì về thánh nhạc. Đối với các bộ lễ, người sáng tác và người sử dụng cũng phải theo qui luật như đã nói ở trên.
L.m. An-rê Đỗ Xuân Quế