I. MỘT VÀI QUI TẮC TỔNG QUÁT.
5. Lễ nghi phụng vụ sẽ mang hình thức cao quí hơn, khi được cử hành kèm theo ca hát, mỗi khi thừa tác viên chu toàn đúng nhiệm vụ của mình, và khi có dân chúng tham dự (4). Thật vậy, dưới hình thức đó, lời cầu nguyện được diễn tả thâm thúy hơn ; mầu nhiệm phụng vụ với những đặc điểm có tính cấp bậc và cộng đồng được biểu lộ rõ ràng hơn ; lòng người hợp nhất với nhau hơn nhờ cùng hát chung một giọng hơn, nhờ được nhìn ngắm vẻ đẹp của sự vật thánh mà vươn tới những thực tại vô hình. Cuối cùng, toàn bộ việc cử hành biểu lộ trước nền phụng vụ thiên quốc đang được hoàn tất trong thành Giê-ru-sa-lem mới, một cách rõ ràng hơn. Vì thế, các vị chủ chăn phải làm hết sức mình để đạt tới hình thức cử hành đó. Ngay cả trong những buổi cử hành không kèm theo ca hát, nhưng có giáo dân tham dự, vẫn phải phân chia các chức vụ và vai trò, như khi cử hành có kèm theo ca hát, nhất là phải liệu cho các thừa tác viên cần thiết và có khả năng, cũng như lo cho các giáo dân tham dự tích cực hơn. Phải chuẩn bị thiết thực cho mỗi buổi cử hành trong tinh thần hợp tác giữa mọi người liên hệ, dưới quyền chỉ huy của vị quản nhiệm thánh đường, về mặt nghi thức cũng như mục vụ âm nhạc.
6. Muốn tổ chức một buổi cử hành phụng vụ cho đích đáng thì trước hết phải phân chia và thi hành các chức vụ cho đúng, khiến mỗi thừa tác viên hay mỗi tín hữu, khi thi hành các chức vụ, sẽ chỉ làm và làm hết những gì thuộc phận sự của mình thôi, chiếu theo bản tính của sự vật và những qui tắc phụng vụ (5). Nhưng công việc tổ chức cũng đòi ta phải giữ đúng ý nghĩa và bản chất của mỗi phần và mỗi bài hát, Muốn đạt mục đích ấy thì phải hát thực sự, đặc biệt những bản văn nào đương nhiên cần hát, và phải tôn trọng thể loại cũng như hình thức của những bản văn đó, do bản tính chúng đòi hỏi.
7. Giữa những hình thức cử hành hoàn toàn long trọng mà trong đó, tất cả những gì phải hát đều được hát, và hình thức đơn giản nhất không có ca hát, có thể có nhiều bậc khác nhau, tùy như muốn dành cho ca hát một vị trí lớn hay nhỏ. Tuy nhiên khi chọn những bài hát để hát, phải dành ưu vị cho những bài do bản tính có tầm quan trọng hơn ; trước hết những phần linh mục chủ sự hay thừa tác viên hát và giáo dân thưa đáp, thứ đến những bài do linh mục và giáo dân cùng hát, sau đó mới thêm những bài dành riêng cho giáo dân, hoặc dành riêng cho ca đoàn.
8. Mỗi khi cử hành phụng vụ mà cần hát thì có thể chọn người hát, ưu tiên dành cho những người có khả năng hơn về mặt ca hát, đặc biệt trong những buổi cử hành khá long trọng và có những bài hát khó hơn hay khi phải truyền thanh, truyền hình (6). Nếu không chọn được người hát, và nếu linh mục hay thừa tác viên không thể hát đúng, thì vị đó có thể đọc mà không hát những bài hát phải hát, nếu bài ấy khó quá, nhưng phải đọc lớn tiếng và rõ ràng. Nhưng linh mục hay thừa tác viên không được làm như thế, chỉ vì muốn tiện cho mình.
9. Khi chọn bài hát cho ca đoàn hay giáo dân, nên lưu ý đến khả năng ca hát của những người đó. Trong các lễ nghi phụng vụ, Hội Thánh không loại bỏ một loại ca nhạc nào, miễn là loại đó hợp với tinh thần lễ nghi phụng vụ và bản chất của mỗi phần (7), và không ngăn trở giáo dân tham dự đúng mức và tích cực (
.
10. Để giúp tín hữu tích cực tham gia phụng vụ và có hiệu quả hơn trong mức độ có thể, nên thay đổi cách thích hợp những hình thức cử hành và mức độ tham dự, cùng lưu ý đến bậc lễ của ngày ấy, và tầm quan trọng của cộng đoàn.
11. Nên nhớ rằng tính chất quan trọng đích thực của một buổi cử hành phụng vụ ít tùy thuộc vào hình thức ca hát cầu kỳ hoặc phô diễn các lễ nghi cho đẹp mắt, hơn là dựa vào phong cách cử hành sao cho xứng đáng, trang nghiêm và đạo đức. Phong cách này nhằm toàn bộ chính việc cử hành phụng vụ, nghĩa là thi hành mỗi phần lễ nghi theo bản tính riêng của những phần ấy. Nơi nào có thể làm được , thì rất ước mong các nơi ấy trình bày một hình thức phong phú hơn về ca hát và đẹp mắt hơn về nghi lễ. Nhưng nếu bỏ qua, hoặc thay đổi hay cử hành không đúng cách một trong những yếu tố của nghi lễ phụng vụ thì chẳng phải là long trọng đích thực nữa.
12. Chỉ Toà thánh mới có quyền thiết lập những nguyên tắc trọng yếu và tổng quát được xem như nền tảng của Thánh nhạc, hợp với những qui tắc đã ban hành và đặc biệt hợp với Hiến Chế Phụng vụ. Các Hội Đồng Giám Mục địa phương có thẩm quyền và thành lập hợp pháp, cũng như Giám mục được quyền ra luật lễ cho Thánh nhạc theo các giới hạn đã ấn định.